Tìm hiểu về Sprint Planning Meeting trong Scrum
Trong phương pháp Scrum, sprint planning meeting có sự tham gia của Product owner, Scrum Master và toàn Scrum team. Những người liên quan bên ngoài có thể được mời tham gia, nhưng cũng ít khi xảy ra.
Trong sprint planning meeting, product owner sẽ mô tả cho cả team các tính năng đã được sắp thứ tự ưu tiên cao nhất. Mọi người trong team sẽ đặt câu hỏi để hiểu rõ vấn đề, khi đó họ sẽ chuyển các user story của product backlog thành các task chi tiết hơn trong sprint backlog.
Người product owner không cần phải mô tả từng item trong product backlog. Một mẹo có ích cho người product owner khi đến sprint planning meeting là chỉ cần chuẩn bị số lượng item trong product backlog gấp đôi số lượng item sẽ được chuyển hóa thành sprint là được.
Ví dụ dễ hiểu như sau, cứ cho là team luôn luôn hoàn thành 5 item của product backlog trong mỗi sprint. Người product owner khi bước vào cuộc họp chỉ cần chuẩn bị để nói về 10 items có độ ưu tiên cao nhất trong product backlog.
Có 2 điều là kết quả của mỗi sprint planning meeting:
- Mục tiêu của sprint
- Sprint backlog

Mục tiêu của sprint được viết bằng 1 đến 2 câu ngắn gọn, mô tả cái mà team đang cố gắng đạt được trong sprint đó. Nó được viết bởi sự hợp tác của cả team và product owner. Đây là các ví dụ về mục tiêu của sprint trong một phần mềm thương mại điện tử:
- Xây dựng một giỏ hàng với các chức năng căn bản như thêm, bớt sản phẩm hoặc cập nhật số lượng sản phẩm.
- Phát triển quy trình thanh toán: trả tiền, chọn phương thức giao hàng, yêu cầu gói quà,…
Mục tiêu của sprint được dùng để báo cáo nhanh cho những ai không tham gia vào sprint. Luôn luôn có những người muốn biết team đang làm gì, nhưng họ không cần phải biết cụ thể về các item của product backlog (các user story). Một sprint được đánh giá hoàn thành tốt hay không sẽ được xác định trong sprint review meeting dựa vào mục tiêu của sprint được nêu ra ban đầu, hơn là dựa vào các item cụ thể trong product backlog.
Sprint backlog là kết quả của việc lên kế hoạch cho sprint. Một sprint backlog là danh sách của các item trong product backlog mà team đã cam kết hoàn thành cộng với danh sách các công việc cần làm để hoàn tất các item đó. Mỗi công việc (task) trong sprint backlog còn được dùng để ước lượng khối lượng công việc.

Một điểm quan trọng cần nhấn mạnh lại là chính team sẽ là người chọn khối lượng công việc mà họ sẽ hoàn thành trong sprint tiếp theo. Người product owner sẽ không nói: “Chúng ta còn 4 sprint để hoàn thành nên team phải làm 1/4 công việc tôi cần trong sprint kế”. Chúng ta đều hy vọng team sẽ làm nhiều nhất có thể, nhưng điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự ước lượng của team, họ sẽ xác định xem khối lượng công việc mà họ sẽ làm vào sprint tiếp theo là bao nhiêu.
Tham khảo: LongNguyen site